Tuyên Úy Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp

Phỏng vấn Lm Lucas Hà Quang Minh
Vài nét lich sử về Tuyên úy đoàn.

- Kính thưa cha, hoàn cảnh và lý do nào đã đưa đẩy quý Tuyên úy thời bấy giờ có ý định thành lập Tuyên úy đoàn Việt nam tại Pháp ?

- Cha Minh : Tuyên úy đoàn được thành lập trong bối cảnh tỵ nạn chính trị, với mục đích phục vụ những đồng hương định cự tại Pháp. Sau biến cố 30/ 4/ 1975, hàng chục ngàn người được đưa đến các trại tạm cư trên đất Pháp. Một số linh mục, tu sĩ, giáo dân tự nguyện đến thăm viếng, giúp đỡ họ trong các công tác xã hội như tìm nhà, kiếm công ăn việc làm, thông dịch…. Các buổi cầu nguyện, các thánh lễ việt ngữ được tổ chức. Năm 1977, ngoài Giáo Xứ Việt Nam Paris, đã có ít nhất 16 địa điểm mục vụ khác được biết đến. Mùa hè 1977, Hội Đồng Giám Mục Pháp thành lập một ủy ban mục vụ di dân Đông Nam Á ( commission épiscopale pour la pastorale des migrants du Sud- Est asiatique) gồm Đức cha François Fratelier, cha Jean Baptiste Etcharren, cha Bernard Piteaux và cha Samuel Trương Đình Hòe. Tuyên úy đoàn chính thức được thành lập từ năm đó.

- Thưa cha hiện nay có bao nhiêu cộng đoàn công giáo Việt nam tại Pháp ?

- Năm 2006, để đánh dấu 30 năm hành trình đức tin của một số đông các cộng đoàn, chúng tôi, Tuyên úy đoàn, đã tổ chức một chuyến hành hương tại Lộ Đức. Trong dịp này, 47 cộng đoàn đã được nêu tên trong danh sách. Từ đó đến nay đã có thêm 3 cộng đoàn mới là Besançon, Cluses( Haute Savoie) và Nimes. Như vậy tổng số hiện nay các cộng đoàn là 50. 

- Xin cha lượt qua về quá trình của Tuyên Úy đoàn, từ lúc thành lập đến nay, những kết quả, những khó khăn … ?

- Tuyên úy đoàn chính thức được giáo quyền thành lập năm 1977. Nhưng trước đó, bắt đầu từ thập niên 1940, 1950, những hoạt động mục vụ của Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại một số địa phận như Paris, Toulouse, đã chuẩn bị cho sự ra đời của Tuyên Úy đoàn. Thời gian từ năm 1977 trở về đây, chúng ta có thể chia ra làm 3 giai đoạn.
- Giai đoạn thứ nhất là giai đoạn thành lập cộng đoàn, quy tụ giáo dân, tổ chức các sinh hoạt tôn giáo. Tinh thần sống đạo của người giáo dân lúc bấy giờ rất cao. Nhu cầu mục vụ rất đa dạng. Những khó khăn bước đầu là thiếu thốn phương tiện vật chất, cơ sở, nhà cửa, việc làm chưa ổn định, bất đồng ngôn ngữ.
-Giai đoạn thứ hai có thể gọi là thời kỳ phát triển. Bắt đầu từ năm 1990, ba tiểu ban đã được thành lập và sinh hoạt cấp quốc gia : Ban điều hành mục vụ trung ương dưới sự chủ tọa của cha Đai Diện Tuyên Úy đoàn. Ban Mục Vụ giới trưởng thành. Ban mục vụ giới trẻ. Nhờ sự cộng tác của các ban mà sinh hoạt Tuyên Úy đoàn ngày càng thêm sống động, mang nhiều sắc thái, đáp ứng được nhiều nhu cầu thực tiễn. 
- Giai đoạn thứ ba là giai đoạn hiện nay. Sau khi đã an cư lạc nghiệp, người công giáo Việt nam bắt đầu tham gia tích cực vào các hoạt động mục vụ tại các giáo xứ địa phương Pháp, đảm nhiệm những công tác chuyên môn, cộng tác đắc lực vào cánh đồng truyền giáo của Giáo Hội địa phương. Thêm vào đó, con số linh mục, tu sĩ nam nữ, chủng sinh, tập sinh Việt nam được mời sang Pháp càng ngày càng đông, ước lượng khoảng 500 vị. Cộng đồng công giáo hải ngoại có thể ví như những cây mạ non, bứng lên từ Việt nam và cấy vào lòng đất nước Pháp. Những cây mạ đó đã trổ bông và trở thành những cây lúa tốt tươi, trĩu nặng những bông lúa vàng.

- Theo cha, đâu là hướng đi trong tương lai mà Tuyên Úy đoàn cần phát họa để tiếp tục sứ mệnh truyền giáo trên đất Pháp ?

- Nếu lấy năm 1975 làm mốc thì hiện nay, thế hệ của những người trẻ Việt nam sống trên đất Pháp, là thế hệ thứ ba. Thế hệ này không có nhiều cơ hội để tìm hiểu văn hóa, lịch sử, tôn giáo việt nam. Một trong những điều mà Tuyên Úy đoàn cần quan tâm là tạo điều kiện giúp họ gặp gỡ, chia sẻ, học hỏi, trau dồi kiến thức và đạo đức. Giới trẻ là sức sống, là hy vọng, là niềm tin của cộng đoàn.
- Thành thật cám ơn Cha   

Bài Lm Lucas Hoàng Quang Minh
Đã viết về Lịch sử Tuyên Úy Đoàn

Từ ba mươi năm qua (1976-2006), cùng với dòng thác người tỵ nạn, một số đông cộng đoàn công giáo Việt Nam đươc thành lập. Lúc đầu là những nhóm nhỏ, chưa có tổ chức rõ ràng...

Rồi với thời gian và nhờ sự nhiệt tâm của các tuyên uý, các nhóm sống đạo này đã trở thành những cộng đoàn, được các vị hữu trách trong đia phận nhìn nhận. Trải qua thời gian 30 năm, con số tuyên úy cũng tăng dần. Buổi đầu là các linh mục tu sĩ du học, vì hoàn cảnh chính trị phải ở lại Pháp. Nhiều năm sau, một số khác đến định cư, trong đó có hơn 30 chủng sinh. Người đi trước tiếp rước kẻ đến sau. Tinh thần hợp tác trên cánh đồng truyền giáo đã gắn bó anh chị em linh mục tu sĩ thành một tập thể : Tuyên Úy Đoàn.

Tuyên Úy Đoàn ? Có lẽ nhiều người đã nghe nhưng chưa biết đến. Nhân dịp Đại Hội Hành Hương Lộ Đức năm nay, chúng tôi mạo muội phác họa lên đây một vài nét chính nhờ vào một số tài liệu thu thập được. Mở đầu, chúng tôi sẽ tường trình sơ khởi về bối cảnh mục vụ cho người Việt Nam tại nước Pháp sau năm 1975. Vì đã có nhiều bài trong tập Kỷ Yếu này đề cập đến vấn đề trên, nên chúng tôi không đi vào chi tiết. Phần thứ hai nêu ra những yếu tố cấu tạo nên Tuyên Úy Đoàn, những phương tiện góp phần xây dựng tình đoàn kết, những chương trình mục vụ có tầm vóc quốc gia. Sau cùng, phần thứ ba hướng về tương lai. Sau ba mươi năm sống trên đất Pháp, phần đông người Việt Nam đã hội nhập vào xã hội và Giáo Hội Pháp, chỗ đứng của các cộng đoàn người Việt sẽ ra sao ? Đây là câu hỏi mà Tuyên Úy Đoàn vẫn luôn đặt ra trong trách nhiệm truyền giáo cúa mình. Mong rằng nó cũng sẽ là sự thao thức của toàn thể các cộng đoàn Việt Nam chúng ta.

I. Buổi ban đầu.

Sự hiện diện của người Việt Nam trên đất Pháp bắt đầu từ cuối thế kỷ thứ 18 song song với chính sách đô hộ nước Việt Nam. Nhiều biến cố chính trị, quân sự như hai cuộc đại chiến thế giới, Hiệp Định Genève chia đôi đất nước năm 1954, cuộc đảo chánh Tổng Thống Ngô Đình Diêm 1963... đã gây nên nhiều đợt di dân đến Pháp. Ở đây, chúng tôi chỉ nói đến gian đoạn 30 năm qua, tức là sau ngày Sài Gòn xụp đổ..

Số người Việt Nam tỵ nạn tại Pháp ngày càng gia tăng từ sau tháng 4-1975. Những trung tâm tạm cư mọc lên như nấm. Các linh mục, tu sĩ tùy theo khả năng của mỗi người mà đáp ứng các nhu cầu của đồng bào mới sang định cư. Thông dịch, tìm nhà, kiếm việc làm, xin giấy tờ, thăm viếng, uỷ lạo... các công tác xã hội này đã đưa tuyên úy đến gần với người đồng hương.

Năm 1977, ngoài Paris, đã có it nhất là 16 điạ điểm mục vụ được kê khai chính thức (1). Trước đó, Hội Ái Hữu Liên Tu Sĩ sinh hoạt chung với Giáo Xứ Việt Nam Paris. Đến mùa hè năm 1977, theo quyết định của Hội Đồng Giám Mục Pháp, việc mục vụ cho người Việt Nam được trao phó cho Tuyên Úy Đoàn do cha Trương Đình Hoè làm Đại Diện (2 ). Quy chế của Liên Tu Sĩ được xác định rõ ràng hơn (3). Là một hội Ái Hữu, có mục đích nâng đỡ tinh thần người đồng hương, Liên Tu Sĩ không bó buộc ai vào hội cũng không giới hạn bất cứ một linh mục, tu sĩ hay chủng sinh nào, dòng hay triều, có thiện chí muốn tham dự vào sinh hoạt.

Mặt khác, do chỉ thị của Thánh Bộ Truyền Giáo các Dân Tộc, Hội Đồng Giám Mục Pháp tiến hành việc hội nhập của các linh mục, tu sĩ, chủng sinh Đông Nam Á Châu có mặt tại Pháp sau 1975 hoặt trước đó (4). Một ủy ban trung ương đặc trách công việc này được thành lập gồm Đức cha François FRETELLIERE, cha Jean Baptiste ETCHARREN, cha Samuel Trương Đình Hoè, cha Bernard PITAUX.

Vào thời điểm cuối thập niên 70, đầu thập niên 80, bầu khí trong cộng đồng người Việt Nam hải ngoại còn rất sôi động. Nghi kỵ, chụp mũ, chỉ trích, biểu tình, v.v... kẻ đi trước, người đi sau, không đồng chính kìến. Bảo thủ và cấp tiến đối kháng nhau. Trong hoàn cảnh tranh tối tranh sáng, cộng đồng dân Chúa hoang mang, giao động. Giữa đạo và đời phải chọn bên nào ? Giáo Hội và Đất Nước có thể hoà hợp với nhau được không ? Đâu là ranh giới giữa sinh hoạt nhà thờ và chính trường ? Công tác mục vụ của các tuyên úy lúc bấy giờ rất phức tạp. Vừa phải đáp ứng các nhu cầu xã hội, vừa phải xây dựng sự hiệp nhất trong cộng đoàn.

Thời kỳ đầu, danh từ Tuyên Úy Đoàn chưa được dùng đến. Danh xưng : các tuyên úy hoặc Ban Tuyên Úy được xử dụng để chỉ định các vị lo cho mục vụ Việt Kiều. Tháng 11- 1979, khi nói về các cuộc họp tại Orsay, cha Trương Đình Hoè, lần đầu tiên, trong tờ báo Hiện Diện số 21 dùng chữ Đoàn Tuyên Úy. Và phải đợi đến năm 1990, trong kỳ họp thứ 13 tại Paray-le-Monial, từ ngữ Tuyên Úy Đoàn mới bắt đầu xuất hiện. Từ đó đến nay chưa có sự thay đổi nào khác. Thực ra, nếu xét về nghiã ngữ thì các cụm từ trên cũng không khác biệt nhau bao nhiêu, nếu có. Điểm quan trọng là những yếu tố cấu tạo nên một Tuyên Úy Đoàn, đồng trách nhiệm, cùng một hướng đi, hiệp thông với Giáo Hội tiếp cư, chung lưng gánh vác sứ mệnh truyền giáo cho người Việt Nam.

II. Khai sinh và phát triển.

1. Linh Mục Đại Diện

Sau hai năm nhận diện môi trường mục vụ và trao đổi với các vị hữu trách, ngày 9-6-1977, Ủy Ban Giám Mục Ngoại Kiều Vụ đặt Cha Samuel Trương Đình Hoè làm Đại Diện cuả Ủy Ban bên cạnh các tuyên úy Việt Nam tại Pháp. Ba tháng sau, ngày 13/9, Cha Hòe được Đức Hồng Y Marty, Giám Mục điạ phận Paris, bổ nhiệm là linh mục đảm nhiệm Giáo Xứ Việt nam Paris, thay thế Cha Nguyễn Quang Toán. Tuy hai trách nhiệm mục vụ này không tùy thuộc lẫn nhau nhưng bổ túc cho nhau. Và sau đó, ngày 16-6-1977, Ủy Ban Thường Vụ của Hội Đồng Giám Mục Pháp lại cử cha Jean Baptiste ETCHARREN làm phó Thư Ký cho Ủy Ban Ngoại Kiều Vụ, đặc trách người tỵ nạn Đông Nam Á Châu (Việt, Miên, Lào).

Sự bổ nhiệm Cha Samuel Trương Đình Hoè đánh dấu một thay đổi lớn trong việc phân bổ trách nhiệm mục vụ. Kể từ đây, các cộng đoàn Công Giáo được Giáo Hội Pháp chính thức công nhận. Tiếng nói của người Công Giáo Việt Nam là Tuyên Úy Đoàn. Giáo Xứ Việt Nam Paris cũng như những cộng đoàn khác tùy thuộc Giám Mục điạ phương. Vai trò chính yếu của vị Đại Diện là phối hợp các công tác mục vụ toàn quốc, trong đó có sự duy trì và phát huy văn hoá dân tộc. Các tuyên úy được mời gọi hợp tác tích cực với ngài trong sứ mệnh này. Thư bổ nhiệm đặc biệt lưu tâm đến sự liên đới giữa người Việt Nam, không phân biệt tôn giáo, chính kiến.

Nhiệm kỳ cuả cha Hòe kết thúc vào niên khoá 1984. Kế đến là Cha Phêrô Nguyễn Văn Tự (1984-1990), Cha Giuse Mai Đức Vinh (1990-1996), Cha Clément Nguyễn Văn Thể (1996-2003), Cha Phêrô-Lucas Hà Quang Minh (2003...)

2. Báo Hiện Diện.

Hiện Diện ra mắt vào tháng 10-1977, dầy 20 trang, khổ 25x 35. Mục đích ‘‘để thắt chặt mối liên lạc giữa các cộng đoàn địa phương đang thành lập hoặc đang phát triển, để thông tin, trao đổi ý kiến và kinh nghiệm sống đạo, sống đời, giữa anh chị em, để cùng nhau chia vui sẻ buồn trong hoàn cảnh mới’’ (5). Trước tờ Hiện Diện đã có các báo khác như Liên Đoàn, Hừng Đông, Giáo Xứ, Tin, Bông Lúa Vàng, Xuyên Việt. Nhưng Hiện Diện không có hoài bão thay thế các tờ báo đó. Hiện Diện chủ trương là nội san của Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam trên đất Pháp. Hiện Diện không phải là cơ quan ngôn luận riêng biệt cuả Giáo Xứ Paris, hay bất cứ một hội đoàn nào. Nó là tiếng nói tất cả Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam toàn nước Pháp. Cơ quan phát hành là Văn Phòng Đại Diên. Cuối năm 1979, Hiện Diện thay đổi kích thước, rút xuống thành 21X 29. Niên Khoá 1980-1981, từ 10 số một năm, Hiện Diện hạ xuống còn 5 số. Số cuối cùng phát hành vào tháng 12 năm 1982. Nguyên nhân đình bản được nói rõ trong Hiện Diện số 39 : ‘‘ Vì sức người có hạn, phương tiện ngày càng eo hẹp’’.  Tính ra Hiện Diện đã sống được 5 năm 6 tháng. Trong hơn 5 năm liên tục, Hiện Diện đã xuất bản 41 số. Hôm nay, đọc lại Hiện Diện, chúng ta sẽ nhận ra dấu chân của mỗi cộng đoàn trong cuộc hành trình đức tin, và khám phá ra một kho tàng vô giá về những bài viết thần học, Thánh Kinh, kinh nghiệm mục vụ, sáng tạo văn hoá. Thiết nghĩ, Hiện Diện đã hoàn tất sứ mệnh của mình.

3. Các cuộc họp mặt thường niên.

Cuộc họp mặt đầu tiên của các tuyên úy được tổ chức tại Orsay, ngoại ô Paris, vào những ngày 28, 29, 30-11-1978. Ngoài các linh mục tuyên úy và nữ tu còn có sự hiện diện cuả Đức Cha Saint Gaudens, chủ tịch Ủy Ban Giám Mục Ngoại Kiều Vụ và cha Etcharren. Đề tài được trao đổi trong kỳ họp này là : Hiện tình mục vụ Việt kiều tại Pháp - Vị trí mục vụ Việt kiều trong Giáo Hội Pháp. Sau phiên họp, các tuyên úy còn thảo một bức thư chung gởi cho các anh chị em giáo dân toàn quốc.

 

Những năm sau đó, Tuyên Úy Đoàn tiếp tục đến họp tại Orsay, mỗi năm một lần. Có lẽ bắt đầu từ năm 1988, điạ điểm họp được thay đổi. Tuần tự là Lyon, Nantes, Nice, Paray le Monial, Saint Etienne, Grans (gần Aix en Provence), Lille, Pontault-Combault, Beaugency, Poitiers, Nancy, Annecy, Rennes, Paris, Toulouse, Valence, Montpellier, Amiens, Nantes. Nhờ đi tới từng điạ phương nên Tuyên Úy Đoàn nhận diện xác thực hơn tình hình các cộng đoàn. Các anh chị em giáo dân rất phấn khởi và tiếp đón nồng hậu các tuyên úy.

Tính đến năm 2005, tất cả đã có 28 cuộc họp. Mỗi cuộc họp là mỗi cơ hội ngồi lại với nhau, cùng cầu nguyện, cùng chia sẻ những hoạt động mục vụ điạ phương, cùng trao đổi để tìm một hướng đi .v.v... Trong các đề tài được chọn cho các lần họp, chúng ta có thể chia làm hai thứ loại :

Thứ nhất, các chủ đề có tính cách nhận diện, tìm hiểu, chọn hướng đi mục vụ. Ví dụ : Kiểm điểm mục vụ 14 năm qua : a/ Diễn tình và hiện tình cuả Tuyên Úy Đoàn ; b/ Mấy nhận định về hiện tình các công đoàn Việt nam tại Pháp (Paray le Monial 1990).

Thứ hai, các vấn đề thuộc phạm vi luân lý, xã hội : Người phụ nữ Việt Nam trong Giáo Hội, (Poitiers - 1996). Thánh Kinh : Di dân : khía cạnh Thánh Kinh và thần học, (Lille - 1993). Mục vụ : Tìm hiểu Công Nghị điạ phận tại Pháp và sự tham dự của Cộng Đồng Giáo Dân Việt Nam (Grans/1992). Các đề tài được đưa ra và biểu quyết tập thể theo tinh thần dân chủ.

Trong hơn ba ngày họp (bắt đầu từ chiều thứ hai và kết thúc sáng thứ sáu), một ngày là Pháp ngữ, có Đức Cha địa phận và Ban Mục Vụ Ngoại Kiều địa phương tham dự, và hai ngày Việt ngữ. Trưa thứ ba, thánh lễ đồng tế có các giáo dân tham dự. Và bữa ăn trưa ngày hôm đó do cộng đoàn khoản đãi. Hình ảnh một Giáo Hội Đại Đồng, đa ngôn ngữ, đa chủng tộc được minh chứng một cách sống động nhất trong ngày thứ ba này.

4. Thành lập các ban Mục Vụ.

Do sáng kiến của Cha ức Vinh, tân Đại Diện, ba tiểu ban mục vụ được thành lập trong niên khoá 1990-1991 : Ban Điều Hành Trung Ương gồm có cố vấn, thư ký và thủ qũy, cộng tác với Cha Đại Diện lo việc điều hành tổng quát. Ban Mục Vụ Giới Trưởng Thành gồm một số các tuyên úy linh mục, tu sĩ và giáo dân. Ban này có trách nhiệm họp mặt và đào tạo các Đaị Diện giáo dân của các cộng đoàn. Ban Mục Vụ Giới Trẻ được trao phó cho một nhóm tuyên úy trẻ, với nhiệm vụ quy tụ và sinh hoạt với giới trẻ Việt Nam toàn quốc.

Nhờ sự cộng tác của các tiểu ban, sinh hoạt Tuyên Úy Đoàn ngày càng thêm sống động, mang nhiều sắc thái, đa dạng, đáp ứng được nhiều nhu cầu thực tiễn. Vai trò của người giáo dân được nâng cao bên cạnh các linh mục, tu sĩ. Tinh thần đồng trách nhiệm đã góp phần thực hiện những tổ chức đại quy mô có tầm vóc quốc gia, như các Đại Hội Giới Trẻ, các cuộc hành hương tại Lộ Đức, Roma, Do Thái. Về mặt quy chế, hội Liên Tu Sĩ không có trách nhiệm mục vụ trực tiếp với các cộng đoàn. Nhưng trên bình diện cá nhân, các linh mục, tu sĩ thường xuyên giúp đến khi có nhu cầu. Đầu thập niên 1990, một số các linh mục du học được mời đến dâng thánh lễ cho những cộng đoàn chưa có tuyên úy. Sự hiện diện cuả các cha, các sơ, các thầy là những chứng tá đức tin cần thiết cho cộng đoàn nói chung và cho người Kitô hữu nói riêng.

5. Liên hệ với Uỷ Ban Giám Mục Ngoại Kiều Vụ (UBGMNKV)

Văn phòng của UBGMNKV đặt tại số 269 bis, đường Faubourg Saint Antoine, 75011 Paris. Trong danh sách các người di dân, hiện có 36 sắc tộc được biết đến và có liên hệ thường xuyên với Giáo Hội Pháp. Mỗi năm hai lần, các Đại Diện họp mặt dưới sự chủ toạ của Giám Mục đặc trách Ủy Ban hay Tổng Thư Ký. Ngoài những công tác mục vụ, văn phòng cuả UBGMNKV còn đặc biệt quan tâm đến các chính sách di dân của chính quyền, lên tiếng bảo vệ quyền lợi người di dân khi cần thiết. Chính Ủy Ban này đã lên tiếng kêu gọi sự nhân đạo của nước Pháp trước thảm cảnh cuả những thuyền nhân.

Một cơ cấu khác cũng đặt dưới sự phối hợp cuả UBGMNKV là các Đại Diện Mục Vụ Di Dân cấp điạ phận. Trên nguyên tắc mỗi địa phận đều có một Ban Mục Vụ Di Dân, với nhiệm vụ tiếp đón, liên lạc, nâng đỡ tinh thần những người ngoại quốc. Họ là giây liên lạc giũa cơ cấu trung ương và địa phương, giữa Tuyên Úy Đoàn và các họ đạo tiếp đón cộng đoàn Việt Nam.

Ngay sau khi được thành lập, Tuyên Úy Đoàn đã liên hệ với các Ban Mục Vụ nói trên. Nhiều buổi thuyết trình về hoàn cảnh và văn hóa của người Việt Nam đã được tổ chức tại một số họ đạo. Những cố gắng này đã giúp các cộng đoàn công giáo Việt Nam đạt được quan hệ tốt với giáo quyền địa phương.

III. Nhìn về tương lai.

Khai sinh trong buổi giao thời nhiều phức tạp, Tuyên Úy Đoàn đã lớn lên sau 30 năm hành trình đức tin. Hai nguồn lực chính yếu mang lại sức sống cho Tuyên Úy Đoàn là sự Hiệp Thông giữa anh chị em linh mục, tu sĩ, thầy sáu và Sứ Mệnh truyền giáo cho người Việt Nam. Tinh thần huynh đệ giữa những người đồng chí hướng, sự nhiệt thành phục vụ đã nối kết các vị lãnh đạo cộng đoàn thành một tập thể có chí hướng. Hôm nay, ôn lại những chặng đường đã đi qua, chúng tôi không thể quên đi những người đã dầy công xây dựng nên Tuyên Úy Đoàn, còn sống hoặc đã qua đời. Cảm tạ Chúa, cảm tạ Mẹ Maria đã nâng đỡ và dìu dắt các vị đã hy sinh tận hiến đời mình vì nước Chúa.

Trước khi nhận đình về tương lai, chúng tôi xin đưa ra đây một vài nhận xét về thời gian qua :

- Nhiều địa điểm mục vụ được mở ra : Từ 18 địa điểm năm 1978 lên đến 37 năm 2006. Mỗi địa điểm có it nhất là một cộng đoàn. Giáo Xứ Paris lớn nhất về nhân sự (6).

- Nhân số tuyên úy và trợ tá đông đảo hơn : Từ 33 vị năm 1978 lên đến 46 vị năm 2006 (7).

- Phát triển ơn gọi Phó Tế. Hiện nay, Tuyên Úy Đoàn có 5 Phó Tế Vĩnh Viễn.

- Vai trò của người giáo dân trong cộng đoàn được nâng cao. Tinh thần đồng trách nhiệm thể hiện rõ ràng trong các khóa huấn luyện giáo dân hoặc các công tác mục vụ thường niên.

- Liên hệ với Giáo Hội Việt Nam thêm phần gắn bó nhờ sự hiện diện và cộng tác của các linh mục, tu sĩ du học mỗi ngày một đông.

Môi trường mục vụ cũng có nhiều thay đổi.

- Các công tác khẩn trương lúc đầu khi người tỵ nạn mới đến Pháp như thông dịch, tìm nhà, tìm việc làm... nay không còn nữa. Sau 30 năm, mọi gia đình coi như đã an cư lạc nghiệp. Vai trò xã hội của tuyên úy giảm bớt. Ngược lại các vấn đề khác như hôn nhân dị giáo, dị chủng, quan hệ với Phật giáo, Hồi giáo, vấn đề nam nữ sống tiền hôn nhân, ly dị, v.v... được đặt ra.

- Giới trẻ Việt Nam phần lớn không nói tiếng mẹ đẻ, và xa dần các sinh hoạt cuả cộng đoàn. Một số nhỏ hội nhập vào các giáo xứ địa  phương. Nhưng phần đông sống đạo theo tư tưởng cá nhân, xem nhẹ trách nhiệm cộng đoàn.

- Các lớp giáo lý cho trẻ em hầu như được trao phó hoàn toàn cho họ đạo Pháp. Cộng đoàn Việt Nam thường chỉ tụ họp khi có thánh lễ hàng tháng hay mỗi hai tuần.

Trước những thay đổi đó, một câu hỏi được đặt ra : có nên duy trì các cộng đoàn Công Giáo Việt Nam hay không ? Nếu có, dưới hình thức nào ? Việc hội nhập vào các xứ đạo địa phương phải chăng là con đường mục vụ cho tương lai ?

Câu hỏi trên đã được đặt ra nhiều lần. Biện minh cho việc duy trì các cộng đoàn, có ít nhất 3 ý kiến được nhắc đi, nhắc lại :

1. Ngôn ngữ : Tuy đã sinh sống tại Pháp nhiều năm nhưng một số đông qúy cụ, quý bác vẫn không thể đối thoại bằng ngoại ngữ. Tuy có đi lễ mỗi tuần nhưng không thể hiểu được trọn vẹn các bài thánh thư và lời giảng của linh mục.

2. Văn hóa : Sự phong phú của Đạo Công Giáo là tính đa dạng của các văn hóa quốc gia, chủng tộc. Người Công Giáo Việt Nam góp phần tô điểm cho Giáo Hội bằng cách duy trì và phát triển văn hoá của mình ngay trong các cách thức thờ phượng hoặc sinh hoạt tông đồ.

3. Giáo Hội : Công Giáo là Đạo của mọi ngôn ngữ, mội sắc tộc, mọi màu da... Nếu vắng đi sự hiện diện của cộng đoàn Việt Nam, bản tính của Giáo Hội có thể bị phương hại một phần nào đó.

Thực sự không ai có thể phủ nhận những yếu tố trên. Tuy nhiên, căn bản của đời sống người Kitô hữu là Bí tích Thánh Tẩy. Dù ở đâu, trong cương vị nào, là linh mục, tu sĩ hay giáo dân, Bí tích này vẫn là nền tảng của sự sống đạo và truyền đạo. Pháp hay Việt Nam, chúng ta đều thuộc về một Giáo Hội, cùng chia sẻ một trách nhiệm, cùng có chung một bổn phận. Điều quan trọng là làm thế nào để phát huy ơn gọi người Kitô hữu, trong cuộc sống của mình tại quốc gia này. Một khi cả hai cộng đoàn Pháp và Việt Nam cùng đứng trên một quan điểm, lúc đó chúng ta sẽ có một Giáo Hội đa ngôn ngữ, đa chủng tộc, đa văn hoá. Lúc đó người ta sẽ không hỏi : bạn thuộc cộng đoàn nào ? mà là, bạn sống đạo và truyền đạo cách nào ? Một cách cụ thể, người công giáo Việt Nam vừa tham dự vào nếp sống tôn giáo địa phương, vừa hợp tác vào những sinh hoạt của cộng đoàn Việt Nam. Đó là chiều hướng mục vụ hiện nay và trong tương lai.

Tại một số nơi, việc duy trì những Thánh Lễ Việt ngữ hàng tháng xem ra khó khăn. Một trong những dự án có thể đưa ra thí nghiệm là quy tụ nhiều cộng đoàn gần nhau vào những thời điểm thuận tiện trong năm. Một vài vùng đã thực hiện sáng kiến trên như miền Bretagne hay Lyon. Song song với chương trình này, chúng ta có thể nghĩ đến việc thành lập những nhóm sống đạo địa phương, dưới hình thức Công Giáo Tiến Hành hay một hình thức khác. Mục đích là tương trợ lẫn nhau về mặt tinh thần như chia sẻ lời Chúa, làm việc từ thiện... Hai dự án trên đây bổ túc cho nhau, vừa giúp người tín hữu có lương thực sống đạo, vừa mang lại cho cộng đoàn thêm sức sống.

Riêng đối với giới trẻ thế hệ thứ hai, việc làm cấp thời là liên lạc và giữ quan hệ. Thế hệ này chịu ảnh hưởng văn hoá Pháp nhiều hơn lớp đi trước. Nhưng không vì thế mà căn tính của họ hoàn toàn là căn tính Pháp. Sẽ có những người Việt Nam nói tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Ý... Nhưng trong cảm súc, trong cách suy nghĩ, cách sống, họ vẫn có những khác biệt so với người bản xứ. Trong lần họp mặt tại Poitiers năm 2004, nhiều bạn trẻ đã phát biểu thao thức của họ được gặp gỡ những người Việt Nam khác. Những khác biệt giữa họ và giới trẻ Pháp là nhu cầu dẫn họ tìm lại những người đồng cảnh ngộ với mình.

Tuyên Úy Đoàn sẽ có những dự án nào cho họ trong tương lai ? Đây là mối quan tâm của Ban Mục Vụ Giới Trẻ và của Tuyên Úy Đoàn. Tuy nhiên, những chương trình mục vụ cho giới trẻ không chỉ tùy thuộc vào Tuyên Úy Đoàn mà còn dựa vào ý kiến cuả Ban Cố Vấn Giới Trẻ toàn quốc.

Qua những trang viết trên, người đọc có thể cảm nghiệm được mục đích của Tuyên Úy Đoàn. Nó gắn liền với lẽ sống của người Công Giáo Việt Nam. Sau 30 năm phục vụ, Tuyên Úy Đoàn tự nguyện sẽ tiếp tục đồng hành với các cộng đoàn trong những tháng năm sắp tới. Trong trách nhiệm lãnh đạo tinh thần, Tuyên Úy Đoàn tin tưởng vào tương lai của Giáo Hội, phó thác vào Chúa Thánh Linh, và hy vọng vào sự hiệp thông của mọi thành phần dân Chúa.

Lm Lucas Hà Quang Minh ghi

(1) Hiện Diện, số ra mắt, tháng 10/ 1977, tr.2.

(2) Thư Bổ Nhiệm Samuel Trương Đình Hoè.

(3) Thư của Đức Cha R. Etchegaray, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Pháp, ngày 3-3-1978 gởi cho các linh mục, tu sĩ Việt Nam cư ngụ tại Pháp.

(4) Thư của Thánh Bộ Truyền Giáo gởi cho Hội Đồng Giám Mục Pháp ngày 12-7-1980 và thư của Đức Cha F. Fretellier, chủ tịch Ủy Ban Giám Mục đặc trách các Giáo Sĩ và các chủng viện, gởi cho các Giám Mục Pháp ngày 30-9-1980.

(5) Hiện Diện, số ra mắt, tháng 10-1977, tr.1.

(6) Hiện Diện số 13, tháng 12-1978, tr.9.